Go downMessage [Page 1 of 1]


Sat Jun 09, 2012 11:50 pm
Gió Vô Cảm
Gió Vô Cảm
Danh hiệu:—♥ Administrator

—♥ Administrator

1. ĐỀN ĐÀO XÁ

Thôn Đào Xá cùng với hai thôn Ngô Xá và Vĩnh Hậu hợp thành xã Vĩnh Xá. Đây là một thôn lớn có cả đình, chùa, miếu, đền do cư dân theo đạo Phật và một nhà thờ của đạo theo Thiên chúa giáo.

Đền Đào Xá có tên xưa là đền Sướng Thiện, là Tam Giáo Động, được xây dựng ở đầu thôn trên một khu đất cao, thoáng mát từ thập niên đầu thế kỷ XIX. Theo các cụ cao tuổi nhất ở đây kể lại, khoảng năm 1896, cụ Từ trông coi đèn nhang đã sang đền Bạch Mã thuộc huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Đông cũ xin tên hèm để thờ, đặt tên cho đền là Sướng Thiện. Từ đó nhân dân trong vùng tìm đến đây lễ bái cầu phúc, hướng thiện và xin thuốc nam về chữa bệnh.

Đền được xây dựng theo kiến trúc điêu khắc thời Nguyễn muộn có vòm cuốn bê tông và hình khối nội công ngoại quốc. Đến năm 1929 , nhân dân lại đóng góp công sức và tiền của tu tạo lại đền cho bề thế, khang trang hơn. Khi hội Tam Thánh ra đời, đền thờ Phật – Tiên – Thánh, 3 vị giáo tổ và thờ vọng những vị anh hùng dân tộc đã có công cầm quân chống ngoại xâm như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão. Tên đền Sướng Thiện hay Tam Giác Động nói lên ý tưởng và tâm nguyện về điều thiện, hành động theo điều thiện. Sau này, tên đền được gọi theo tên thôn: Đền Đào Xá. Đào chính là tên một dòng họ có người đến khai phá vùng đất này sớm nhất và cũng là họ phát triển đông đúc nhất thời ấy.

Thời kỳ 1939 – 1945 Đảng ta vận động đấu tranh cách mạng trong sự khủng bố, lùng sục gắt gao của chính quyền thực dân đền Đào Xá là một trong những cơ sở cất giấu tài liệu của Đảng bộ Hưng Yên. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 nhiều cuộc mít tinh hội họp lớn của xã đã được tổ chức tại đền. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, vùng đất này từng có thời gian bị địch chiếm đóng, đền Đào Xá lại là nơi cán bộ ta đặt chân an toàn để phát triển phong trào đóng vai người đến đền cúng lễ, khi lại là người lên đền xin lá thuốc về chữa bệnh cho người nhà. Trong đền có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Hòn Non bộ đắp nổi giữa hồ nước trong khuôn viên với mục đích cất giấu tài liệu nên được tạo dáng nhiều hang lạch ăn sâu vào giữa khối đá giả sơn trông lạ mắt mà kín đáo.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ Tư lệnh Quân khu III đã về đây mở Hội nghị Quân chính bàn việc chống chiến tranh phá hoại của địch và các chủ trương biện pháp chi viện cho chiến trường miền Nam. Tiếp đó, Bộ Y tế lại chọn đền Đào Xá làm địa điểm sơ tán cho xí nghiệp Dược phẩm.

Đền Đào Xá còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, ngoài Hòn Non bộ xây đắp công phu, phải kể đến 24 pho tượng mỗi pho đều có vẻ hấp dẫn riêng. Nhiều đồ tế tự có giá trị điêu khắc như pho kiệu Ngọc Bộ, ngai, cửa võng, câu đối cùng với nhiều cổ vật quý hiếm nh lọ độc bình, lọ hoa, choé, bát hương…

Đền Đào Xá được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 1570 ngày 5/9/1989 của Bộ Văn hoá và Thông tin.

2. ĐỀN VÀ LĂNG VŨ TIÊN CÔNG

Di tích được đặt theo tên của vị thần được nhân dân tôn thờ là Vũ Tiên Công. Cả đền và lăng đều được xây dựng ở thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường ngay phía đông quốc lộ 39A rất thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội và tham quan, cúng lễ của khách thập phương. Theo văn bia ghi thần tích hiện còn lưu giữ tại đây, khu lăng và đền tưởng niệm ngài Vũ Đình Trác tức Vũ Tiên Công là một quan đại thần dựới triều Lê. Truyền thuyết ở đây kể rằng các bậc sinh thành ra Vũ Đình Trác nguyên là người làng Mộ Trạch huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương – nơi đã sinh ra 36 Tiến sĩ, trong đó, số người đỗ Tiến sĩ thuộc dòng họ Vũ nhiều hơn cả. Do những biến động về kinh tế chính trị và xã hội, nhiều người dân ở Mộ Trạch đã phải di tán tới nhiều nơi, trong đó có một gia đình họ Vũ Đình tới định cư ở xã Tiên Cầu. Tại đây ông bà đã sinh ra một người con trai đặt tên là Vũ Đình Trác.

Thần tích ghi nhận ông là ngựời thông minh ham học, đặc biệt là võ nghệ rất siêu việt được bạn bè và nhân dân địa phương kính nể. Lớn lên, Vũ Đình Trác sớm trở thành một nhà cầm quân có uy tín thời Hậu Lê. Với những chiến tích trong việc bảo vệ đất nước, bảo vệ triều chính, Vũ Đình Trác sớm trở thành một đại thần của triều đình. Năm 1740, niên hiệu Cảnh Hưng 35 (Cảnh Hưng tam thập ngũ niên tuế thứ) ông được phong Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân . Sau đó 4 năm (tức năm 1744), do lập được nhiều chiến công hiển hách, ông được triều đình ra sắc chỉ, chuẩn bị vàng bạc cho nhân dân địa phương xây dựng lăng và đền tạ ơn ông. Có thể nói đây là một trong những trường hợp khá độc đáo. Công trình được xây dựng trong thời gian người được tôn vinh còn sống và đang tại chức. Chính điều ấy minh chứng cho sự trung thành hết mực của ông với đất nước và càng cổ vũ ông hơn nữa trong công việc để xứng đáng với sự quan tâm của triều đình.

Năm 1786, Vũ Đình Trác lâm bệnh tạ thế. Theo nguyện vọng của địa phương, triều đình đã cho đưa thi hài ông về chôn cất tại Tiên Cầu. Phần mộ của ông được xây lăng cách đền chùng 300m. Trước công lao của ông, nhân dân địa phương đã gọi ông bằng cái tên kính trọng “ Vũ Tiên Công” và từ đó khu lăng, đền cũng được gọi là lăng đền Vũ Tiên Công. Công lao của Vũ Tiên Công và sự nghiệp của ông được nhân dân địa phương luôn luôn ghi tạc và họ đã tôn ông là Thành Hoàng của xã. Cuốn thần tích cùng với tiểu sử của ông được lưu truyền mãi trong lòng dân từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng năm cứ vào ngày 1/3 âm lịch, địa phương tổ chức lễ hội để tưởng niệm Vũ Tiên Công.

Chính với niềm tự hào sâu sắc về tấm gương Đức Tiên Công mà mảnh đất Tiên Cầu đã phát huy được vai trò của mình trong quá trình lịch sử. Thời kỳ Tiền khởi nghĩa, nhiều cán bộ của Đảng đã về đây hoạt động và xây dựng cơ sở cách mạng. Nhân dân Tiên Cầu không sợ gian khó nguy hiểm, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ đến hoạt động an toàn. Được sự đùm bọc cho chở của nhân dân, Đảng ta đã xây dựng được cơ sở vững mạnh ở Tiên Cầu.

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 lực lượng vũ trang và nhân dân Tiên Cầu đã tập trung ở đền, tiến vào giành chính quyền ở huyện lỵ Kim Động và tỉnh lỵ Hưng Yên. Sau khi đã đập tan chính quyền cũ, nhân dân Tiên Cầu đã nhiều lần tổ chức mít tinh ở khu đền để biểu dương lực lượng quần chúng, chào mừng Chính phủ cách mạng lâm thời.

Năm 1946 thực dân Pháp tráo trở xâm lược nước ta lần thứ 2. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, đội tự vệ Tiên Cầu được nhanh chóng thành lập. Nhân dân đã cùng đội tự vệ đào hào, đắp ụ xẻ đường cản bước tiến của giặc. Trong 9 năm kháng chiến, Tiên Cầu luôn là điểm nóng, du kích địa phương đã phối hợp với bộ đội đánh nhiều trận ác liệt trên đường 39A, khu lăng và đền được chọn là nơi mai phục của quân ta. Sau các cuộc chiến đấu với thực dân Pháp ở các vùng phụ cận như Dốc Lã, Cầu Ngàng bộ đội ta lại rút về khu đền. Có thể nói trong kháng chiến trường kỳ, khu vực lăng và đền Vũ Tiên Công luôn được chọn làm vị trí ém quân và xuất kích của quân ta có độ đảm bảo bí mật cao nhất.

Là nơi diễn ra nhiều trận đụng độ quyết liệt với địch nên có thể nói Tiên Cầu là một trong số điểm hứng chịu nhiều bom đạn nhất trong huyện. Khu đền và lăng Vũ Tiên Công bị địch bắn phá ác liệt nhiều lần. Đặc biệt trong trận càn quét năm 1952, chúng đã cướp đi 2 pho tượng đá và một số đồ tế tự quý. Dù vậy, đây vẫn còn giữ được nhiều hiện vật cổ độc đáo như một ban thờ đá dài 1,6m rộng 0,9m tạo dáng theo hình sập bằng chân quỳ da cá, 01 lư hương bằng đá cao 0,3m, đường kính rộng 0,25m, hai sườn lư được đục đẽo gọt rũa tạo hình đôi đầu ghê chầu vọng, một bia cũng bằng đá khối cao 1,8m rộng 0,72m dựng năm 1774 ghi công đức đóng góp tu sửa di tích. Khu lăng và đền còn được một quần thể tượng đá tạo nên những nét nhấn thu hút sự chú mục của khách thập phương. Đó là sáu vệ binh tạo từ đá đứng uy nghiêm trên bệ cao 1,86m; hai voi dáng to khoẻ mà đĩnh đạc thư thái; hai ngựa chiến với yên cương trong tư thế trận tiền; hai chó đá ngồi như đang quan sát canh chừng kẻ địch.

Đền và Lăng Vũ Tiên Công đã được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 97 ngày 21/11/1992 của Bộ Văn hoá – Thông tin.

3. CHÙA PHƯƠNG TÒNG

Chùa có tên chữ là Tam Cương tự, nhưng thường được gọi là chùa Phương Tòng hoặc gọi nôm la là chùa Phương, thuộc xã Hùng An.

Theo lời các vị cao tuổi kể lại thì xưa kia, khu đất này rất trũng nhưng lại nổi lên 3 gờ đất cao. Cho đó là điểm lành, một sự mách bảo thiêng liêng từ tiềm thức nên bà con mới dựng lên ngôi chùa để thờ “Thiên, Địa, Nhân”. Còn có sự duy danh định nghĩa được bà con nhắc đến thì Phương Tòng là đất biểu tượng của tinh thần cao thượng, ngay thẳng, gan góc trước gió bão như cây tùng, cây bách. Chùa được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng trên khu đất rộng phía tây của làng, sát chân đê, cổng chùa và Tam Quan hướng thẳng ra sông Hồng gió lộng quanh năm. Tuy chùa được xây dựng kiên cố, bề thế nhưng qua thời gian với nhiều phen bão gió lụt lội, giặc dã lên đã bị xuống cấp nhiều. Cuối năm 1934 bà con địa phương góp công của xây dựng với quy mô như ngày nay.

Như mọi ngôi chùa khác trên đất nước ta, chùa Phương Tòng là nơi thờ Phật, giảng thuyết Phật học, quảng bá mở rộng đạo Phật, hướng con người vào điều lành, điều thiện, tránh xa điều ác. Chùa chẳng những đẹp về cảnh sắc thiên nhiên, mà còn là cơ sở của tổ chức cách mạng có giá trị lịch sử.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hai chiến sĩ cách mạng là Chu Văn Tập và Lương Hiền từ hoạt động ở phía tây nam Hưng Yên đã chuyển địa bàn hoạt động lên chùa Phương Tòng, Hùng An, Kim Động. Hai ông đã chọn nơi hoạt động đầu tiên vào gia đình bà Thứ Thoả - một người sớm được hai ông giác ngộ cách mạng. Sau đó, để đảm bảo hơn cho công tác hoạt động cách mạng, hai ông đã chọn nơi vừa kín đáo vừa tĩnh lặng, đó là chùa Phương với sự giúp đỡ của vị sư trụ trì yêu nước là sư Dưỡng. Hai ông đã dựa vào chùa để hoạt động, gây ảnh hưởng cách mạng rộng rãi ra các vũng xung quanh. Được cơ sở bảo vệ chu đáo, Chu Văn Tập và Lương Hiền sau này đã trở thành cán bộ chủ chốt của chính quyền cách mạng.

Năm 1946 cuộc kháng chiến bùng nổ, chùa Phương Tòng lại được chọn làm cơ sở hoạt động an toàn của Đảng bộ huyện và Tỉnh. Tại đây, đồng chí Chủ tịch lâm thời tỉnh Hưng Yên đã triệu tập lớp học quân sự. Trong thời gian lớp học quân sự diễn ra tại chùa đã được sự giúp đỡ nhiệt thành của các vị sư trụ trì (sư Dưỡng, sau đó là sư Mùi) và vãi Khánh. Sau đó chùa Phương còn được chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội của chi bộ xã Hùng An, là nơi đỡ đầu của trung đội du kích Phương Tòng.

Cuối năm 1951, đầu năm 1952, nhà chùa đã đào trong khu nội tự 5 hầm bí mật để đón phân đội bộ đội tỉnh Hưng Yên về ở tại chùa hỗ trợ cho phong trào chién tranh du kích địa phương. Năm 1953, theo yêu cầu của tổ chức, sư Mùi được điều lên công tác ở vùng Khoái Châu, Hoà thượng Đăng Thanh Khiết về thay. Cũng năm này, thực dân Pháp đã tiến hành càn quét bao vây chùa. Trong tình hình khó khăn ấy, vãi Khánh đã ra càn phá, ngăn bước tiến công của địch để chiến sĩ ta có đủ thời gian đối phó. Nhìn chung trong quá trình vận động cách mạng cũng như trong kháng chiến, chùa Phương Tòng luôn là cơ sở vững vàng, tạo điều kiện cho mọi hoạt động cách mạng và chiến đấu chống Pháp của địa phương thắng lợi to lớn.

Từ năm 1968 đến năm 1975, chùa Phương Tòng thường được chọn làm địa điểm tổ chức các hội nghị do cấp trên triệu tập, trong đó có một hội nghị quan trọng ủng hộ phong trào ra đường chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai của Phật giáo miền Nam. Chùa còn là nơi Viên Đông y Trung ương sơ tán tránh bom đạn địch đồng thời phát triển được các hoạt động nghề nghiệp một cách an toàn.

Hiện vật được lưu giữ trong di tích chùa Phương Tòng còn khá nhiều. Trên Tam Quan còn có một tượng Phật bà toạ sơn cao 1,4m, 01 chuông đồng cao 0,8m đường kính 0,5m, đúc năm Minh Mệnh thứ 31. Tượng đặt trên bệ cao được tạo dáng rất đẹp. Hai tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ cao 0,6m đứng hai bên tượng Phật bà. Bên trong có 21 pho tượng Phật ở Đại Bái và Thượng Điện. Các pho tượng này đều làm ở thế ngồi cân đối hài hoà. Hai khánh thờ Đức Ông và Thánh Hiền, xung quanh khám đều có chạm hình hoa dây sơn màu mận chín; 14 câu đối, 6 bức đại tự, một khánh đồng đúc năm 1937 cao 0,8m rộng 1,1m. Tất cả các đồ thờ trên đã làm cho chùa thêm hấp dẫn bởi vẻ đẹp cổ kính và sự uy linh. Chùa Phương Tòng được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định công nhận 74 ngày 2/2/1993 của Bộ Văn hoá Thông tin.

4. ĐÌNH BỒNG CHÂU

Đình được gọi tên theo tên thôn Bồng Châu xã Phú Cường. Đình thờ 15 vị đẳng thần thời Hùng Vương và Hai Bà Trưng. Lễ hội được mở tại đình vào các ngày 10/1, 13/3 và 10/11 âm lịch. Đình có kiến trúc theo kiểu chữ Công trên khu đất đẹp cac ráo thoáng mát giữa một bãi nổi sông Hồng rất thuận tiện cho thuyền bè qua lại.

Đầu tiên, đình được xây dựng ở giữa làng. Về sau do biến động về thiên nhiên, hàng năm nước lũ sông Hồng dâng cao cuốn lở đất nên đình được chuyển vào cuối làng giáp đê bối. Mặt tiền của đình quay về phía tây nam giáp sông Hồng, phía tây áp sát với khu dân cư, phía đông giáp đồng ruộng và thôn Kệ Châu 1, phía bắc là đồng ruộng. Theo truyền thuyết, đình Bồng Châu được xây dựng khá sớm. Theo sắc chỉ thời Tiền Lê, triều đình giao cho Thất Gia Trại lập miếu điện phụng thờ.

Cũng như những ngôi đình ở các làng xã khác, đình Bồng Châu vừa được coi là trụ sở để dân hội họp, bàn việc làng vưa là nơi thờ Thần Hoàng. Theo thần phả, đình Bồng Châu thờ 15 vị Đẳng thần có công với nước với dân, được nhận sắc phong của triều đình; tuy nhiên, thần phả lưu lại chỉ thấy nói quê quán, ngày sinh, ngày mất, chức vụ của 6 trong số 15 vị đó.

Thần tích chép rằng: Bà Trần Hồng Nương, quê tại trang An Thái, huyện Thiên Bản phủ Nghĩa Hưng sinh được hai người con trai, tên là Phổ Hộ và Linh Lôi. Năm 40, nhà Hán đem quân sang xâm lược nước ta, đứng trước tình hình đất nước có giặc ngoại xâm, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, ban hành chiếu chỉ kêu gọi nhân dân đứng lên chống quân xâm lược nhà Hán: “Thư Châu huyện, mộ hữu văn võ khí tài anh hùng khả dĩ cự chỉ. Nam tướng nam binh, nữ tướng nữ binh, dẫn sai ứng tuyển dĩ thụ kì quan tước.” Nghe được chiếu chỉ, ba mẹ con bà bàn nhau ứng tuyển đội nghĩa quân của Hai Bà Trưng. Bà Hồng Nương tuy tuổi đã cao nhưng còn mạnh khoẻ. Bà tự mình vấn tóc lên vành khăn giả làm trang nam tử, cùng hai con trai đi vận động mộ quân. Chỉ một thời gian ngắn mẹ con bà vận động được trên hai nghìn người, tổ chức rèn luyện võ nghệ, giáo dục mọi người đồng tâm phù quốc. Sau đó mẹ con bà Hồng Nương dẫn đội quân của mình tới doanh trại của Hai Bà Trưng tại Hát Môn (Sơn Tây – Hà Tây ngày nay). Hai Bà Trưng phong cho hai ông Phổ Hộ và Linh Lôi chức Đô Chỉ Huy Sứ Tả Hữu Tướng Quân, phong cho bà Hồng Nương chức Nội Thị Phu Nhân, giữ bà ở lại đại bản doanh để chăm lo việc nước.

Sau khi sắp sếp lại quân ngũ, Bà Trưng giao cho hai ông đặc trắc đội thuyền binh tuần tiễu đề phòng quân giặc đánh sau lưng. Hai ông cầm quân lên đường. Tới địa phận Khoái Châu – Kim Động gặp một bến có bãi đất bồi rộng ( nay là Bãi Bồng Châu), thấy thế đất đẹp, địa hình thuận lợi cho việc đóng quân, hai ông cùng quân sĩ tuyển mộ thêm người tài, lập doanh trại tại chỗ, vừa canh tác vừa rèn luyện gươm đao. Sau khị giúp cho dân lập đồn trú, cắt cử người cai quản hương thôn, hai ông Hồi Đô theo lệnh của Hai Bà Trưng để cùng tướng lĩnh bàn kế sách tấn công, tiến đánh doanh trại Tô Định.

Cuộc đại chiến đã diễn ra. Quân của Hai Bà Trưng đã đánh tan quân giặc nhà Hán, chém đầu tướng giặc, giải phóng đất nước. Đây là thời kỳ độc lập đầu tiên của nước nhà. Hai Bà Trưng lên làm vua hiệu là Trưng Nữ Vương. Sau khi lên ngôi ổn định triều chính, hai bà liền mở tiệc đại khai khánh hạ, khao thựởng ba quân theo đẳng cấp, đồng thời ra chiếu ban cho ba mẹ con bà Hồng Nương phần thực ấp tại quê cũ Nam Định đạo. Đang độ mùa đông, ba mẹ con bà đi trên một chiếc thuyền rồng dọc bờ biển để quan sát địa hình điền ấp. Đi đến núi An Từ, đột nhiên trời nổi lên một trận giông tố, mưa như trút nước, một giải mây vàng từ trên cao giáng vào sa giá. Nhân gian cho rằng ba mẹ con bà đã đồng bộ tòng vân về cõi Trời. Từ đó nhân dân địa phương lập đền thờ.

Đền triều Lê Đại Hành năm Thiện Phúc, ba mẹ con đều được thụ phong sắc Thần vì đã lập nhiều công lớn. Các sắc phong đều có nội dung: Thông minh khôn khéo, một lòng phò Vua giúp nước, bảo toàn bờ cõi. Khi ra trận tiến công vũ bão, chiến thắng oanh liệt, dũng mãnh phô trương thanh thế khiến quân thù khiếp vía. Các triều đại sau này đều có sắc phong ghi công ba vị Đại Vương Thượng Đẳng Thần, ban hành các quy chế ghi thức trong các ngày sinh, hoá và lễ hội. Hiện nay tại đình Bồng Châu còn giữ được 15 sắc phong của các triều đại trước.

Những năm thực dân Pháp cho quân chiếm đóng phía nam tỉnh Hưng Yên là giai đoạn khó khăn nhất của nhân dân Kim Động. Địch càn quét, bắn phá rất dã man. Đình Bồng Châu là nơi được cấp trên chọn đặt chạm giao liên giữ đường dây liên lạc giữa hai quân khu Tả và Hữu ngạn sông Hồng. Đây là nơi đón bộ đội vượt sông mỗi khi mở chiến dịch; cũng là nơi chuyển vũ khí, thương binh ta, tù binh địch ra khu an toàn. Từ năm 1951 đến năm 1954, đình Bồng Châu là nơi thường xuyên có các đơn vị thuộc Trung đoàn chủ lực 42 đến đóng quân mà không bị lộ bí mật vì được nhân dân một lòng che chở, giúp đỡ.

Một vinh dự khác được ghi nhận là ngày 7/11/1962, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về Bồng Châu thăm hỏi tình hình làm thuỷ lợi và đời sống của bà con ngay tại đình làng. Trong kí ức của nhân dân Bồng Châu xã Phú Cường, nhất là các cụ đã có mặt trong buổi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm, còn in đậm hình ảnh thân thương của Lãnh tụ đối với đồng bào đồng chí ở vùng bãi xa khuất này.

Tại đình Bồng Châu còn lưu giữ nhiều hiện vật quý: Một kiệu bát cống sơn son thiếp vàng thời Hậu Lê, đòn kiệu đều trạm trổ đầu rồng, thân kiệu chạm trổ cách điệu hoa dây hình Long – Ly – Quy - Phượng, mặt hổ phù đuôi chạm hoa văn hình sóng cuộn; hai cỗ kiệu trung cũng chạm đường nét hoa văn cầu kì; tám cỗ long ngai chạm trổ tinh vi sơn son thiếp vàng: bốn cổ thuộc thời Lê; bốn cỗ thuộc thời Nguyễn; một hạc gỗ thời Lê còn giữ được nguyên vẹn đến thời nay; một quả chuông đúc năm Bính Thìn (1796) cao 1,50m, đường kính miệng 0,8m, nặng trên 1 tấn; năm bộ đỉnh, đài nến bằng đồng; một bộ quạt 5 chiếc gồm 1 quạt cái to 10 nan xoè rộng và 4 quạt ngà voi, mỗi quạt được tạo dáng bằng giấy nén trên nan ngà voi nặng 2kg một quạt. Ngoài ra còn một số đồ tế tự bằng gỗ quý khác

Đình Bồng Châu được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 225 ngày 5/2/1994 của Bộ Văn hoá và Thông tin.

5. ĐỀN BÀ CHÚA MỤA

Đền được xây dựng tại làng Mụa tức thôn Cộng Vũ, xã Vũ Xá. Tên thường gọi từ xưa đến nay là đền thờ bà Chúa Mụa. Đền được xây dựng trên một vùng đất cao ráo, thoáng mát sát bìa làng, giữa hai cồn đất có tên gọi từ lâu đời là cồn Con Voi và cồn Nghiên Bút. Đền xây theo kiến trúc chữ Nhị, thờ bà Trần Thị Tư còn có tên Trần Thị Ngọc Am thứ phí chúa Trịnh Tráng. Mặt trước của đền quay về hướng tây nam có dòng sông Cửu An chạy dọc từ Ngàng về chợ Thi.

Đền được xây từ thế kỷ 17.Trải qua nhiều năm tháng liên tục có bão gió, lụt lội và chiến tranh tàn phá nên đền đã bị hư hại nhiều. Nhân dân đã góp công sức sửa chữa, tu tạo lại đền nhiều lần trong đó có 4 lần trùng tu vào thời nhà Nguyễn.

Theo văn bia và sắc phong cũng như theo lời người già kể lại sự tích bà Chùa Mụa được chép lại như sau:

Bà Trần Thị Tư sinh ngày 5 tháng 5 năm Canh Thìn (1580), có sắc đẹp lộng lẫy và đức tính chăm chỉ nông tang, bờ bãi lại có giọng hát bổng trầm, thánh thót như suối reo, chim hót. Một hôm trên đường cái quan, chúa Trịnh Tráng cùng quân quan đi kinh lý qua khu dân đang lao động. Nhà chúa bỗng nghe tiếng hát từ xa vọng lại. Tiếng hát làm ngơ ngẩn bề trên. Hát rằng: “Tay cầm bán nguyệt xânh sang/ Hàng trăm thảo tặc lai hàng tay ta”.Chúa Trịnh Tráng bèn cho mời cho gái vừa hát vừa cắt cỏ dưới đồng lên hỏi chuyện. Cô thôn nữ vừa đẹp người, vừa hát hay lại đối đáp khẩu khí khác người, tỏ rõ sự nền nã mà kiêu sa thông tuệ. Chúa truyền rước nàng về Thăng Long và đổi tên nàng thành Ngọc Am.

Từ ngày về phủ Chúa, bà được giao công việc chăm lo đèn sách, lễ nghi và sắp đặt ngôi thứ cho các cung tần mỹ nữ trong nội phủ. Được nhà Chúa yêu dấu cải họ cho bà từ họ Trần thành họ Trịnh: Trịnh thị Ngọc Am.

Sau một thời gian, bà sinh con gái. Chúa Thượng hết mực yêu quý, đặt tên con gái là Trịnh Thị Minh và ban cho bốn đĩa vàng và một đĩa bạc làm vật gia bảo. Trời bắt tội, Công chúa Trịnh Thị Minh sớm lìa đời để lại nỗi thương xót tột độ cho bà Ngọc Am. Qúa đau khổ, bà muốn xa lánh thế tục nhiều hệ luỵ, oan trái nên đã xin Chúa Trịnh Tráng cho bà về quê xuống tóc ăn mày cửa Phật. Chúa Trịnh không thể giữ được bà nơi cung cấm, đã cho khai con sông nhánh đi qua làng Mụa để vận chuyển gỗ, đá xây sẵn cho bà một ngôi đền và một ngọn tháp. Ngôi đền có hai dãy nhà nhiều gian, ở giữa hai dãy nhà là ngọn tháp Cửu phẩm Liên Hoa, cao trăm bậc ghép nối bằng hàng trăm phiến đá, bốn góc tháp được kết dính chốt giữ bằng cốt chì và đồng. Từ khi rời phủ Chúa về tu ở làng, bà rất chăm chỉ tụng kinh niệm Phật. Bà còn cho tu sửa chùa chiền quanh vùng, giúp dân khai khẩn ruộng đất, khơi dòng đào sông, hướng dẫn cho dân làm lúa nước. Bà rất thương người, gặp ai hoạn nạn khó khăn, bà sẵn lòng làm phúc giúp gạo cho tiền, cho thuốc chữa bệnh.

Theo văn bia ghi lại thì tháp Liên Hoa được xâ ựn 3 năm mới song . Chúa Trịnh Tráng cho tuyển thợ đá giỏi từ nhiều nơi về xây tháp vừa tạc tượng bà ngay từ khi bà còn sống. Bà mất năm 68 tuổi sau 28 năm rời phủ Chúa về tu tại làng. Thi hài bà được mai táng tại chân tháp Cửu phẩm Liên Hoa. Đền thời tạo loạn, quân quận He nổi lên kéo qua làng Mụa đã cho dỡ đền, phá tháp lấy đồng chì rèn đúc vũ khí. Nhân dân đã cất dấu được tượng bà và các pho tượng đá cùng ngọn tháp hình nậm. Một thời gian sau, nhân dân lại sửa sang tu tạo ngôi đền và đưa tượng về thờ như cũ để tưởng nhớ công lao của bà. Bà Chúa Mụa mất ngày mùng năm tháng giêng, nên nhân dân lấy ngày đó làm ngày lễ hội thường niên.

Ngoài giá trị về văn hoá, đền Bà Chúa Mụa còn ghi dấu nhiều sự kiện trong quá trình phát triển đi lên của địa phương. Nơi đây là nơi hội họp bí mật của Đảng bộ địa phương thời kỳ địch o – ép, càn quét gay gắt nhất. Đền cũng là nơi các đơn vị thuộc Trung đoàn chủ lực 64 và các đại đội bộ đội địa phương tỉnh luân phiên về đóng quân, rèn cán.

Trong đền còn giữ được nhiều hiện vật quý: 3 tấm bia lớn: 1 bia niên hiệu Đức Long (1629-1634) ghi tiểu sử Bà Chúa Mụa, 1 bia “Trần tộc bia ký” ghi công đức của cộng đồng họ Trần, 1 bia ghi công đức chúa Trịnh Tráng cho xây đền và tháp; một bức đại tự lớn khắc 3 chữ Uy linh từ, dưới bức đại tự là bàn thờ đá có khắc 3 bức phù điêu Long cuốn thuỷ với hình tượng sóng nước, hoa lá rất tinh vi, nghệ thuật; hai câu đối sơn son thiếp vàng khắc chữ nổi:

“Tài cao nghĩa trọng, uy thế trấn sơn hà

Đức tích nhân tu, chúa cung sùng Phật đạo”


ĐẶc biệt quý là những pho tượng đá trong hậu cung: tượng bà Chúa Mụa, hai pho tượng thị vệ, hai pho Kim Đồng Ngọc Nữ, một phỗng đá, một bát hương đá, hai bát sứ thời Lê. Năm 1963 khi đào sông Cửu An - một công trình thuỷ lợi quan trọng của địa phương, dân công đã đào được đĩa vàng đĩa bạc mà chúa Trịnh tặng cho mẹ con bà Trịnh Thị Ngọc Am chìm sâu dưới đáy giếng nước trước cửa đền.

Đền Bà Chúa Mụa đã được Nhà nứơc công nhận là Di tích nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 2233 ngày 26/6/1995 của Bộ Văn hoá – Thông tin.

Kim Động xưa và nay



Back to topMessage [Page 1 of 1]


« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Quyền hạn của bạn:

You cannot reply to topics in this forum