Go downMessage [Page 1 of 1]


Thu Jul 19, 2012 7:20 pm
bodibua
bodibua
Danh hiệu:—♥ Thành Viên Cấp 4

—♥ Thành Viên Cấp 4

Siêng năng là một trong những “tiêu chuẩn” để phụ nữ chọn chồng, bởi cuộc sống gia đình trăm công nghìn việc luôn cần đến sự chung tay gánh vác của cả hai người. Những ai chẳng may lấy phải anh chồng mắc bệnh “nhác” thì đúng là dở khóc dở cười. Oái oăm hơn, lắm ông chồng chỉ nhác việc nhà nhưng ra ngoài lại được tiếng là siêng năng, tháo vát. Vì sao lại như thế?
Tự nguyện "đeo gông"

Với quan niệm “việc nhà là việc đàn bà”, đa phần các ông thản nhiên giao phó trách nhiệm chăm sóc gia đình cho vợ. Lâu dần, tính lười nhác trở thành căn bệnh trầm kha khó bỏ. Hỏi thăm mười bà vợ thì có đến chín bà rưỡi than thở về bệnh nhác của chồng. Thế nhưng, không ít quý ông cho rằng: mình “sinh bệnh” là do vợ.
Được dạy dỗ từ nhỏ rằng phụ nữ là người thu vén gia đình, nên ngay sau ngày cưới, chị Lý Minh Hằng (chuyên viên tư vấn địa ốc) “xắn tay áo” lên kế hoạch cho cuộc sống hôn nhân. Đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái - đương nhiên là việc của vợ vì chồng đâu khéo léo, chỉn chu. Báo hiếu cha mẹ hai bên - hiển nhiên cũng là việc của vợ vì phụ nữ vốn chu đáo. Kèm cặp con cái học hành (bao gồm cả việc liên lạc với cô giáo, lo chuyện lớp điểm, trường chuyên) - cũng chỉ có vợ mới quán xuyến nổi chứ chồng làm sao đủ kiên nhẫn… Cả một bảng phân công công việc gia đình dài dằng dặc từ trên xuống dưới đều thấy ở phần “người thực hiện” là “vợ”. Chồng được giao hai việc “lớn” là: phát triển sự nghiệp và quan hệ ngoại giao (được hiểu là chăm sóc, giữ gìn và nâng cao các mối quan hệ bạn bè, đối tác).

Từ đó mọi việc cứ tự động chạy theo “phần mềm” đã được lập trình. Anh Thắng, chồng chị Hằng, ban đầu cũng hơi ái ngại khi vợ cứ ôm việc làm cùi cụi một mình. Một lần vợ đi làm về muộn, sợ con đói, Thắng lục tủ lạnh lấy thịt bò nấu mì gói hai cha con ăn tạm. Về, thấy vậy, Hằng ôm con xót xa: “Trời ơi, mấy việc này không phải sở trường của bố. Tội nghiệp con trai, để mẹ nấu xúp cua cho hai bố con ăn nhé”. Từ đấy, Thắng không lại gần bếp nữa, dù anh vẫn ngầm tự hào là mình nấu ăn không đến nỗi nào. Dần dà Thắng trở nên ngại làm việc nhà, dù Hằng bận rộn việc cơ quan, anh cũng chờ vợ về. Nói cho công bằng, Thắng có muốn làm cũng không được, vì hễ làm liền bị Hằng “mắng” là tranh công của vợ. Hậu quả của "chế độ bao cấp" là sau hơn mười năm tự nguyện “đeo gông vào cổ”, sức khỏe của Hằng cứ đuối dần. Đến một ngày, Hằng ngất xỉu ở nơi làm việc phải đưa đi cấp cứu, bác sĩ kết luận chị bị suy nhược cơ thể. Nghỉ phép một tuần ở nhà dưỡng sức, Hằng ngạc nhiên khi thấy chồng thay mình đảm đương mọi việc trong nhà đâu ra đấy, kể cả việc chăm sóc vợ bệnh. Ngẫm lại, Hằng thấm thía, lâu nay mình đã tự làm khổ mình.



Anh Thắng cho rằng: “Đàn ông vốn ngại việc nhà vì nó đòi hỏi sự chỉn chu, tỉ mỉ, kiên nhẫn và cả sự thu vén vốn là “bản chất” của phụ nữ. Gặp bà vợ đảm đang thì cái tính đuểnh đoảng của các ông chỉ khiến vợ thêm “gai mắt” nên các bà vợ thà ôm việc hết cho xong. Nhưng, chính vì thế mà các ông “được đằng chân, lân đằng đầu” đổ hết trách nhiệm cho vợ”.

"Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng"

Ai kết hôn mà không mong được chia sẻ, nhu cầu ấy lại càng lớn hơn với phụ nữ bởi họ thường gánh trách nhiệm chăm sóc gia đình nhiều hơn nam giới. Dẫu không thành văn, nhưng trong mỗi gia đình đều ngầm có sự thỏa thuận: vợ làm nội trợ, chăm sóc con cái; chồng lo những việc cần đến bàn tay mạnh mẽ của đàn ông. Thế nhưng, trong rất nhiều gia đình, các bà vợ cũng kiêm luôn vai trò này. Chị Mân Nhiên (Q.Gò Vấp) lấy chồng hơn năm năm, nhưng những chuyện như đèn hư “con chuột”, mô-tơ máy bơm nước bị cháy hay mùa mưa nước thấm qua tường rỉ cả vào nhà… chị cũng phải tự mình xử lý. Có gọi nhờ chồng thì anh Cường, chồng chị, cũng chỉ ậm ừ: “Em cứ để đó, mai anh tính”. “Mai dài hơn thuổng”, nhắc mấy lần, kiên nhẫn chờ mấy hôm không thấy chồng động tĩnh gì, chị Nhiên đành cố làm, khó thì kêu thợ.
Vậy mà mới chiều qua, chị Nhiên vừa về tới cổng, bà Tình hàng xóm đã đon đả chạy sang cười thật tươi: “Chồng cô đến là khéo tay. Tuần rồi, không biết con Nguyệt nhà tôi làm thế nào mà cái vòi sen trong nhà tắm cứ chảy nước hoài, tắt mãi không được. Nó gọi nhờ chú Cường nhà cô sang sửa giúp, mất có mười phút là xong. Thế là nó nhờ sửa luôn cái cửa tủ bếp long bản lề. Chú ấy tài thật, việc gì cũng làm gọn hơ. Cô thế mà sướng nhỉ!”. Nhiên “tím mặt” cười đáp lễ. Vào nhà, thấy chồng đang lim dim trên ghế, Nhiên mát mẻ: “Em tưởng anh có việc làm thêm, sao nằm nhà thảnh thơi vậy?”. Cường nhỏm lên: “Việc gì? Anh đang chờ em về nấu cơm”. Dằn không được “cục tức” đang trồi lên, Nhiên chua chát: “Sao anh không sang bảo Nguyệt nấu cho mà ăn. Cơm bên ấy chắc là dẻo thơm hơn vì lắm vị lạ, chứ cơm nhà này ăn mãi có lẽ anh chán rồi. “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Ở nhà, nhờ việc gì cũng hết hơi mà chẳng nhúc nhích". Nhiên nghĩ chồng sẽ lúng túng vì bị lật tẩy, ai dè Cường quắc mắt: “Tưởng cô tài giỏi rồi, cần gì đến tôi nữa. Cô có xem tôi là đàn ông trong nhà này đâu, mọi việc cô giành làm hết, giờ than van kể lể nỗi gì. Người ta là đàn bà chân yếu tay mềm, họ nhờ, không lẽ tôi từ chối. Cũng nói luôn để cô biết, giúp họ tôi mới thấy mình là đàn ông đấy”.
Nhiên nghẹn lời, hóa ra trong mắt chồng, cô lại là kẻ “tội đồ”! Tức, tủi thân, muốn khóc mà cổ họng cứ thắt lại, đắng ngắt, Nhiên dắt xe đi ra mà không biết mình sẽ đi đâu, bao ý nghĩ cứ rối lên trong đầu Nhiên. Sao lâu nay anh ta chẳng thèm giúp mình việc gì cho đáng mặt đàn ông, giờ bỗng dưng giở chứng? Hay là chồng mình “mê mẩn” cô Nguyệt kia rồi? Cô ta hơn ba mươi mà chưa có chồng, nói chuyện với đàn ông thì ẽo ợt thấy ghét, chắc đang tìm cách mồi chài “lão” nhà mình. Được rồi, để xem "anh, ả" muốn gì. Những ý nghĩ u ám đó khiến Nhiên thốt nóng thốt lạnh, chợt nghĩ mình phải kiếm đồng minh hậu thuẫn nên quay xe chạy đến nhà cô bạn thân.

Nước mắt vòng quanh, Nhiên trút nỗi uất ức cùng những nghi ngờ của mình cho vợ chồng cô bạn nghe. Tưởng bạn sẽ “sôi lên sùng sục” ủng hộ mình, dè đâu hai vợ chồng cứ tủm tỉm cười làm Nhiên chưng hửng. Rồi họ thay phiên nhau, hết chồng đến vợ “tư vấn” cho Nhiên rằng phải thế này, thế kia… Càng nghe, Nhiên càng vỡ ra nhiều điều, vội vã quay về, không quên ghé mua mấy tô phở nóng cho chồng con.

Tối đó, Nhiên gối đầu lên ngực chồng thủ thỉ: “Anh đừng giận em. Đúng là em sai khi không để anh thể hiện vai trò đàn ông trong nhà. Tính em mau mắn, chờ mãi không thấy chồng làm thì chịu không nổi nên vơ lấy làm luôn. Em quên mất là chồng mình vốn khéo tay, lắm tài". “Hòa bình lập lại”, Nhiên rút được kinh nghiệm quý báu: đừng bao giờ hối thúc đàn ông mà nên khuyến khích họ.

Nếu các bà vợ khéo léo, biết cách lôi kéo chồng thì người đàn ông nào cũng sẵn sàng chia sẻ việc nhà với vợ, bởi gia đình chính là nơi đầu tiên người đàn ông muốn khẳng định mình. Họ cũng muốn được người khác thừa nhận khả năng của mình, vì thế, chỉ cần các bà vợ biết cách động viên, khen ngợi chồng thì việc khó mấy các ông cũng cố gắng thực hiện.



Back to topMessage [Page 1 of 1]


« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Quyền hạn của bạn:

You cannot reply to topics in this forum